Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng khoa học và công nghệ về thực hành thương mại điện tử và livestream bán hàng cho các sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang”

Ngày 29/08/2024, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức khai mạc lớp tập huấn “Ứng dụng khoa học và công nghệ về thực hành thương mại điện tử và livestream bán hàng cho các sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang.” Lớp tập huấn này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại địa phương nâng cao năng lực bán hàng trực tuyến, đặc biệt trong việc sử dụng công nghệ livestream để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Về phía Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, có sự tham dự của TS. Hoàng Thịnh Nhân và ThS. Dương Thị Kim Xoa – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp (Diễn giả); ThS. Trần Hà Phương Thanh – Giảng viên Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp (Diễn giả). Cùng với doanh nghiệp tham gia chia sẻ tại Hội thảo có ông Nguyễn Công Ấn – Giám đốc công ty cổ phần Eco Technology 2A và bà Huỳnh Quí Nguyệt – Giám đốc công ty cổ phần sinh học Sofa.

Ban tổ chức và các diễn giả chia sẻ tại lớp tập huấn

Về phía Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang có sự tham dự của ông Nguyễn Huỳnh Phước – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang và đại diện Lãnh đạo các phòng ban của Sở Khoa học và Công nghệ. Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thương mại điện tử. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng lớp tập huấn này sẽ giúp các doanh nghiệp địa phương nắm bắt được những kỹ năng cần thiết để tiếp cận và khai thác hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng và nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP.

ông Nguyễn Huỳnh Phước – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc

Lớp tập huấn bắt đầu với phần giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử. Các học viên được tìm hiểu về sự phát triển của thương mại điện tử qua các giai đoạn, từ thương mại điện tử 1.0 với giao dịch trực tuyến trên website tĩnh, đến thương mại điện tử 4.0 với sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và Internet of Things (IoT). Các giảng viên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại điện tử trong việc mở rộng thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí, và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

TS. Hoàng Thịnh Nhân – Phó Giám đốc NIIC chia sẻ tại lớp tập huấn

Tiếp theo, lớp học đã đi sâu vào việc giới thiệu các nền tảng livestream phổ biến như Facebook, TikTok, YouTube và Instagram. Mỗi nền tảng đều có những ưu điểm riêng và phù hợp với các đối tượng khách hàng khác nhau. Ví dụ, TikTok Livestream là lựa chọn lý tưởng cho những người trẻ tuổi, nhờ giao diện thu hút và khả năng tiếp cận rộng rãi; trong khi Facebook Livestream phù hợp với các doanh nghiệp muốn tạo sự tương tác mạnh mẽ với khách hàng thông qua các công cụ hỗ trợ truyền thông xã hội tích hợp.

Phần quan trọng tiếp theo của lớp học là các bước chuẩn bị và thực hiện livestream bán hàng. Đây là một trong những kỹ năng được các giảng viên nhấn mạnh, vì livestream đang trở thành một xu hướng bán hàng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực OCOP. Các học viên được hướng dẫn cách chuẩn bị nội dung, kịch bản, thiết bị và không gian livestream. Trong quá trình livestream, việc tương tác với khách hàng, trả lời câu hỏi và thực hiện các hoạt động khuyến mãi cũng được đề cập cụ thể. Sau buổi livestream, các bước để đánh giá hiệu quả, như đo lường tỷ lệ tương tác và doanh số, cũng được thảo luận để học viên có thể tối ưu hóa chiến lược của mình trong các buổi livestream tiếp theo.

Huỳnh Quí Nguyệt – Giám đốc công ty cổ phần sinh học Sofa.

Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên cũng được giới thiệu chi tiết về sàn thương mại điện tử https://tmdt247.vn/ – một nền tảng được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các hộ kinh doanh sản phẩm OCOP. Đây là một trong những sàn thương mại điện tử tiềm năng tại Việt Nam, cung cấp nhiều tính năng và tiện ích giúp tối ưu hóa quá trình bán hàng trực tuyến. Sàn TMĐT này có thể hỗ trợ các hộ kinh doanh OCOP, từ việc tạo gian hàng trực tuyến cho đến quản lý đơn hàng, vận chuyển, và quảng bá sản phẩm. Học viên được tìm hiểu những lợi ích cụ thể khi tham gia vào nền tảng này, chẳng hạn như khả năng tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng trên toàn quốc, sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia trong việc tối ưu hóa gian hàng và chiến lược marketing, cũng như các công cụ phân tích dữ liệu mạnh mẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi mua sắm của khách hàng.

Lớp tập huấn “Ứng dụng khoa học và công nghệ về thực hành thương mại điện tử và livestream bán hàng cho các sản phẩm OCOP tỉnh Hậu Giang” không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn mang đến những kỹ năng thực hành cụ thể, giúp các doanh nghiệp OCOP địa phương có thể ứng dụng ngay vào hoạt động kinh doanh. Việc nắm bắt các công nghệ mới, từ thương mại điện tử đến livestream bán hàng, không chỉ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn mở ra những cơ hội mới để tiếp cận khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Kết thúc ngày đầu tiên của lớp tập huấn, các học viên đã bày tỏ sự hài lòng và cho biết họ đã nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tế. Đây chính là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Call Now