Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp tổ chức Khóa Đào tạo Cố vấn và Hành trình Mentoring nâng cao

Chiều ngày 14/6, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp và Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia đã tổ chức bế giảng khóa đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring nâng cao tại khu vực Nam Bộ. Khóa đào tạo kéo dài ba ngày, cung cấp cho các học viên những kiến thức và kỹ năng quan trọng để trở thành nhà cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.  

Buổi bế giảng Khoá đào tạo Cố vấn và hành trình Mentoring nâng cao

Khoá đào tạo được giảng dạy bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Mentoring như Ông Phan Đình Tuấn Anh- Sáng lập Angels4Us, Ông Nguyễn Tiến Trung – Phó chủ tịch hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia VSMA, xoay quanh nội dung như Ứng dụng Mentoring vào ngữ cảnh học đường và doanh nghiệp (thiết kế chân dung Mentor & Mentee, Phân tích mô hình kinh doanh của mentee là Sinh viên hoặc Chủ/lãnh đạo doanh nghiệp); Xây dựng nội dung Mentoring vào các ngữ cảnh khác nhau (khung thời gian và giai đoạn của doanh nghiệp); Xây dựng nội dung Mentoring theo chủ đề: Marketing, tài chính, mô hình kinh doanh, nhân sự…; Xây dựng chương trình Mentoring nội bộ trong doanh nghiệp; Phát triển kế hoạch hành động để áp dụng Mentoring vào sự nghiệp và công việc…

Ông Nguyễn Tiến Trung – Phó chủ tịch hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia VSMA giảng dạy tại khoá đào tạo

ThS Huỳnh Hồng Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành –  thành viên Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (VSMA) đánh giá cao nội dung của khóa đào tạo. Cô nhấn mạnh rằng khóa học này không chỉ trang bị những kiến thức thực tế và bổ ích cho các Mentor, mà còn giúp họ tự suy xét lại bản thân và định hình phong cách Mentoring riêng. Theo cô Mai, một Mentor (Người cố vấn) cần chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tư tưởng để dễ dàng tiếp cận với Mentee (Người được cố vấn), tạo ra môi trường thuận lợi cho Mentee thoải mái chia sẻ tâm tư. Điều này giúp cả hai bên thống nhất về nguyên tắc làm việc, mục tiêu và kỳ vọng.

Buổi giao lưu giữa các diễn giả là những giảng viên, doanh nhân, nhà cố vấn khởi nghiệp đã có kinh nghiệm lâu năm và các học viên

Cô Mai cũng chia sẻ rằng, vai trò của Mentor không phải là làm hết mọi việc cho Mentee mà là đặt ra những câu hỏi “quyền lực” để thúc đẩy Mentee vượt qua rào cản và bộc lộ tài năng tiềm ẩn. “Mentor phải biết lắng nghe, thấu hiểu và quan sát để trở thành người Mentor phù hợp nhất cho Mentee của mình,” cô Mai nhấn mạnh. Đồng thời, cô cho rằng Mentoring không chỉ áp dụng trong việc hỗ trợ khởi nghiệp mà còn trong phát triển bản thân và hỗ trợ sinh viên học tập.

Nhà trường đã xây dựng mạng lưới các nhà cố vấn khởi nghiệp từ các chuyên gia và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, phù hợp cho các giai đoạn phát triển của một startup. Điều này giúp gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hợp tác và phát triển bền vững. Cô Mai cho biết thêm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang hướng tới phát triển thành một trường đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, không chỉ tập trung vào giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, mà còn tác động tích cực đến cộng đồng thông qua các hoạt động Mentoring.

Các Thầy Cô giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận chứng chỉ khoá học

Đáng chú ý, trong khóa đào tạo lần này, 31 giảng viên của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và được cấp chứng chỉ chuyên môn. Việc này không chỉ nâng cao năng lực cố vấn khởi nghiệp của các giảng viên mà còn khẳng định cam kết của nhà trường trong việc phát triển và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cuối khoá học, các học viên giao lưu chia sẻ kinh nghiệp với nhau 

Khóa đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring nâng cao không chỉ là cơ hội để các học viên học hỏi kiến thức, kỹ năng mới mà còn là nơi xây dựng và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các Mentor, doanh nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương. Các hoạt động này sẽ giúp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong việc đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng.

 

Đội ngũ NIIC tham gia và hỗ trợ các giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong khoá học

Nhà trường và Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NIIC) cam kết tiếp tục đồng hành cùng các Mentor, doanh nghiệp và sinh viên trong hành trình khởi nghiệp, góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và bền vững. Sự thành công của khóa đào tạo lần này là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong việc thúc đẩy và phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Call Now