Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Cà Mau

Từ ngày 01 đến 03/7/2025, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề  “Nâng cao năng lực tổ chức và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Chương trình nhằm hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường nghề tại địa phương nâng cao kỹ năng triển khai các đề tài nghiên cứu gắn với đào tạo và nhu cầu thực tiễn. Gần 100 học viên đến từ các trường cao đẳng và doanh nghiệp trong tỉnh đã tham dự khóa học.

Toàn cảnh lớp bồi dưỡng

Định hướng thực tiễn, gắn với địa phương

Lớp học được dẫn dắt bởi TS. Hoàng Thịnh Nhân – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp (NIIC) cùng ThS. Trần Hà Phương Thanh – giảng viên NIIC. Ngay trong ngày khai giảng, các học viên đã được truyền cảm hứng về vai trò của nghiên cứu khoa học trong nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới kỹ thuật và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Nội dung giảng dạy tập trung giúp học viên nhận diện đặc thù của nghiên cứu trong môi trường giáo dục nghề nghiệp, xác định rào cản thực tiễn và đề xuất giải pháp phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.

Học viên chia sẻ và thảo luận

Tăng cường kỹ năng tổ chức và quản lý nghiên cứu

Ngày học thứ hai đi sâu vào kỹ năng tổ chức, giám sát và quản lý đề tài nghiên cứu khoa học: từ lập kế hoạch, xây dựng biểu mẫu, phân bổ ngân sách, đến kiểm soát tiến độ và nghiệm thu. Học viên được thực hành mô phỏng quy trình thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp trường, qua đó hiểu rõ cách tổ chức hiệu quả các hoạt động nghiên cứu trong bối cảnh thực tế.

Học viên thảo luận nhóm

Ứng dụng thực tiễn và định hướng chuyển giao

Trong ngày cuối, các nhóm học viên tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình bày đề cương chi tiết, đồng thời xác lập kế hoạch ứng dụng kết quả nghiên cứu vào giảng dạy, sản xuất hoặc phục vụ cộng đồng. Nhiều nhóm đặc biệt quan tâm đến nội dung thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái NCKH – đào tạo – chuyển giao trong các trường nghề.

Đáng chú ý, chương trình đã giới thiệu mô hình từ Dự án AIS4EE (Accelerating Innovation Startups in Energy Efficiency) – một sáng kiến do EU và GGGI tài trợ, triển khai bởi SIHUB, RCEE-NIRAS và Đại học Leipzig (Đức). Qua phần chia sẻ từ giảng viên, học viên được tiếp cận với các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công cụ tiết kiệm năng lượng, phù hợp với các ngành thế mạnh của Cà Mau như thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo.

TS. Hoàng Thịnh Nhân chia sẻ về Dự án AIS4EE

Kết quả thiết thực – Nền tảng cho hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng

Kết thúc khóa học, toàn bộ 10 nhóm học viên đều hoàn thành đề cương nghiên cứu gắn với ngành nghề đào tạo và bối cảnh địa phương. Mỗi nhóm không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà còn trình bày kế hoạch ứng dụng thực tế, định hướng nhân rộng và chuyển giao.

Ảnh học viên trình bày đề cương nghiên cứu

Lớp bồi dưỡng không chỉ là hoạt động tập huấn chuyên môn mà còn là **diễn đàn kết nối và phát triển tư duy nghiên cứu ứng dụng. Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa chuyên môn và đổi mới tiếp cận đã mang lại một chương trình thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển đội ngũ và hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới.

Học viên tham gia lớp học

Nhiều học viên bày tỏ mong muốn tiếp tục được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu hơn trong tương lai, đồng thời kỳ vọng có thêm các cơ chế hỗ trợ và kết nối đề tài từ các sở, ban, ngành – tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực nội sinh của đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu tại địa phương.

Call Now